GIỚI THIÊU NHỮNG NÉT CƠ BẢN VỀ NHÀ TRƯỜNG

Đăng lúc: 16:08:11 17/06/2020 (GMT+7)

Ngày 15/9/1931, trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã ra đời một ngôi trường Trung học đầu tiên - Trường Collège Thanh Hoá - tiền thân của trường THPT Đào Duy Từ hôm nay.Trải qua những biến cố thăng trầm của đất nước, Collège de Thanh Hoá- College Đào Duy Từ - Cấp III Lam Sơn – THPT CB Đào Duy Từ - THPT Đào Duy Từ

 GIỚI THIỆU VỀ NHÀ TRƯỜNG
 
Ngày 15/9/1931, trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã ra đời một ngôi trường Trung học đầu tiên - Trường Collège Thanh Hoá - tiền thân của trường THPT Đào Duy Từ hôm nay.Trải qua những biến cố thăng trầm của đất nước, Collège de Thanh Hoá- College Đào Duy Từ - Cấp III Lam Sơn – THPT CB Đào Duy Từ - THPT Đào Duy Từ dù ở thời nào cũng là niềm tự hào của người dân Thanh Hoá, một ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt trong hơn 80 năm qua.
     Khi mới thành lập, Collège de Thanh Hoá chỉ có một lớp đệ nhất niên với 30 học sinh. Năm 1943 trường đổi tên là “ Trường College Đào Duy Từ”. Sau  cách mạng tháng Tám năm 1945, chính thức gọi là trường Trung học Đào Duy Từ- đây là trường Trung học công lập duy nhất toàn tỉnh lúc này. Hiệu trưởng đầu tiên là người Pháp-tên là Gregri. Trường Trung học Đào Duy Từ khai giảng năm học đầu tiên (1945-1946) dưới chính quyền cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trong niềm hân hoan của phụ huynh và học sinh toàn tỉnh sau một thời gian dài nhà trường đóng cửa vì bom đạn của quân Đồng minh, hết quân Tầu, Tưởng lại đến quân Nhật biến trường thành doanh trại.  Năm học đầu tiên sau cách mạng tháng Tám, năm học 1945-1946 đã kết thúc thắng lợi. Sau 3 tháng nghỉ hè, đến tháng 9/1946 lại bắt đầu năm học mới. Nhưng năm học thứ hai mới tiến hành được mấy tháng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946). Theo chủ trương “tiêu thổ để kháng chiến”, trường College Đào Duy Từ chỉ còn là một đống gạch vụn. Thầy trò sơ tán về 3 cụm Thiệu Hoá, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân. Năm 1947, toàn trường tập trung về vùng Cốc-Thọ Xuân nay thuộc xã Xuân Lộc-Triệu Sơn. Trong những năm sơ tán, nhà trường không chỉ dạy học mà còn tham gia kháng chiến. Khi đó việc dạy học được tiến hành trong các đình chùa, nhà dân và một số ít lán dựng tạm là lớp học.
     Năm 1951, Collège Đào Duy Từ được đổi thành cấp III Lam Sơn- tên một cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của người anh hùng Lê Lợi. Mái trường vùng tự do Thanh Hoá đã trở thành địa chỉ của các nhà giáo và học sinh tâm huyết một lòng theo kháng chiến trong cả nước hội tụ về. Những giáo sư, những nhà khoa học và rất nhiều những người tài danh khác đã trưởng thành từ mái trường này.
     Sau năm 1954, trường cấp III Lam Sơn từ vùng Cốc - Thọ Xuân trở về thị xã Thanh Hoá. Năm 1957, trường chuyển về mảnh đất của trường THPT Đào Duy Từ hôm nay. Từ mái trường này những tài năng của đất nước đã cất cánh bay đi muôn phương.
      Năm 1982, khối chuyên của tỉnh từ trường cấp III Hàm Rồng chyển sang, gắn bó với nhà trường 10 năm rồi ra đi thành lập trường mới. Năm 1991 là năm diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại, trường cấp III Lam Sơn kỉ niệm 60 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động hạng III. Năm 1992, bộ phận chuyên tách ra thành lập trường THPT chuyên Lam Sơn, cái nôi đào tạo học sinh giỏi của toàn tỉnh. Một lần nữa trường cấp III Lam sơn lại trở về với cái tên năm xưa: trường THPT Đào Duy Từ .
 Thành tích nổi bật.
 - Đào tạo được nhiều học sinh sau này trở thành những nhà hoạt động chính trị, hoạt động  khoa học, nhiều sĩ quan quân đội... đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ.
- Nhiều học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp Quốc Gia và quốc tế
- Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp Tỉnh
- Năm 1989, nhà trường được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba
- Năm 2002, nhà trường được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhì
- Năm 2004, nhà trường được công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn I (2001- 2010).
- Năm 2011, nhà trường được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhất.
- Nhiều năm liên tục, nhà trường là tập thể lao động xuất sắc.
 
DANH NHÂN ĐÀO DUY TỪ.
Đào Duy Từ sinh năm 1572 tại làng Hoa Trai -xã Văn Trai - Huyện Ngọc Sơn-Phủ Tĩnh Gia -Tỉnh Thanh Hoá (nay là làng Nỗ Giáp- xã Nguyên Bình - Huyện Tĩnh Gia- Thanh Hoá). Ông sinh ra trong gia đình cha làm nghề hát xướng cho nên mặc dù thông minh, học giỏi nhưng không được thi Hương (luật lệ nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi vì cho rằng đó là xướng ca vô loài ).
Năm 1625, Đào Duy Từ rời đất Bắc vào Đàng Trong sinh sống tại Trung Châu-Huyện Bồng Sơn-Phủ Hoài Nhơn (nay là thôn Ngọc Sơn- xã Hoài Thắng -Huyện Hài Nhơn-Tỉnh Bình Định). Ở đây ông vừa gắng công học tập, tu luện đức tài vừa hướng dẫn dân khai khẩn, vừa lập làng, mở đường giao thông, đào sông, làm thuỷ lạơ, phát triển sản xuất. Danh tiếng của ông bay xa, lan rộng, nhờ vậy quan khâm lý Trần Đức Hoà đến mời ông về nhà dạy học. Và cũng từ đấy tiếng của ông lừng lẫy đến Phủ Chúa.
Năm 1672 Đào Duy Từ được chúa Nguyễn Phúc Nguyên mời ra làm quan giúp chúa dựng nghiệp lớn. Ông đã vạch ra chủ trương quốc sách dinh điền, dựng làng lập ấp, nhằm an cư lạc nghiệp cho toàn xứ Đàng Trong, giúp các chuá Nguyễn mở mang củng cố bờ cõi.
Ông là người có tài mưu lược, hiểu thời thế, ông giành nhiều thòi gian nghiên cứu kinh sử, binh pháp, viết văn, làm thơ. Ông đã có công đóng góp cả trên phương diện lý luận và thực tiễn quân sự. Ông vừa là một nhà lý luận, vừa là một công trình sư quân sự tài ba, một nhà kiến trúc quân sự thao lược. Di tích Luỹ Thầy- Luỹ Đào Duy Từ được xây dựng vào khoảng năm 1630 cho thấy đây là một công trình kiến trúc hoành tráng, một tuyến phòng thủ chiến lược, hiểm yếu có quy mô lớn trong lịch sử thời phong kiến.
Trên lĩnh vực văn hoá, với tư cách là tác giả của những bài thơ Quốc âm nổi tiếng, Đào Duy Từ đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển văn thơ Nôm, cũng là góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá truyền thống dân tộc. Ông đã có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc ở Đàng Trong, ông là tác giả của nhiều vở Tuồng- trong đó có vở Sơn Hậu và các điệu múa Hoa Đăng, Nữ tướng xuất quân…
Đào Duy Từ đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển giáo dục buổi khai nghiệp của Chúa Nguyễn: cải cách chế đô thi cử, cách tuyển chọn quan lại, nhờ vậy dã có tác dụng khuyến khích học trò học tập và chọn được nhứng quan lại phục vụ cho chính quyền có hiệu quả hơn.
Những thành công và đóng góp của Đào Duy Từ chính là sản phẩm có ý thức của một con người nhiệt tâm với đời, với xã hội, với đất nước, góp phần tích cực vào sự phồn vinh phát triển của chế độ xã hội đương thời.
Năm 1634, ông mất đột ngột ở tuổi 63- mộ chôn ở Trung Châu- Phủ Hoài Nhơn. Cỏ trên mộ ông luôn ấm hơi người, của con cháu, của bà con nơi đây, của khách thập phương.
Đào Duy Từ xứng đáng được trọng vọng, xứng đáng với danh hiệu “Đệ nhất công thần khai Quốc” thời Nguyễn. Tên tuổi của ông xứng đáng được trở thành tên gọi của những trường học, những đường phố của nước Việt Nam .
 

Ý kiến thăm dò

Nhận xét về các dịch vụ chúng tôi cung cấp?